Công trình kiến trúc – Một cơ thể sống

Một công trình kiến trúc cũng như một cơ thể sống, có linh hồn của riêng mình và mang đến cảm xúc cho con người sinh sống bên trong. Và một công trình có giá trị cần sự tổng hòa giữa các yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật.

Khi thiết kế một công trình kiến trúc, các KTS luôn phải tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời cho các vấn đề: Làm thế nào để công trình tối ưu về cả thẩm mỹ và công năng? Cần những giải pháp gì để con người có thể thư giãn và tận hưởng không gian sống?…

Để đáp ứng những mục tiêu đó, cần có giải pháp tổng thể từ kiến trúc, kết cấu đến cơ điện công trình. KTS cần phối hợp với kỹ sư để đưa ra được giải pháp thiết kế, thi công đồng bộ về công năng – hình thái, nhằm tạo ra một công trình bền vững. Bởi một công trình kiến trúc không phải là tạm thời, nó sẽ tồn tại lâu dài qua rất nhiều năm, thậm chí là nhiều thế hệ chủ nhà sinh sống và làm việc.

Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm không khí, đặc biệt là những đô thị lớn có dân cư tập trung đông đúc như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Vấn đề hàng đầu đặt ra là làm sao để công trình kiến trúc có thể “sống” trong bầu không khí trong lành, đạt chuẩn và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.

Tại Tọa đàm “Công trình kiến trúc – Một cơ thể sống” diễn ra ngày 13/4/2021 nằm trong khuôn khổ triển lãm “Wexhibition: LỘ”, anh Nguyễn Đức Hoàng, đại diện Daikin Việt Nam chia sẻ quan điểm: “Hầu hết mọi người dành trung bình khoảng 18 – 21 giờ mỗi ngày trong phòng cho việc sinh hoạt, làm việc, ăn uống,… Chất lượng không khí bên trong công trình có thể ảnh hưởng tới sự tiện nghi, sức khỏe và công việc. Để có một bầu không khí trong lành, cần giải quyết nhiều vấn đề xuất phát từ quá trình công nghiệp hóa. Các vấn đề ô nhiễm đó không thể tự xử lý một cách tự nhiên thì chúng ta cần ứng dụng các công nghệ làm sạch. Không thể làm sạch ngay một không gian lớn thì phải làm sạch từ những không gian nhỏ rồi mới đến những giải pháp cho quy mô lớn hơn”.

Tọa đàm “Công trình kiến trúc – Một cơ thể sống” tại triển lãm “Wexhibition: LỘ” của nhóm KTS WEPLAY

Đó là lý do các công trình kiến trúc hiện nay thường sử dụng các giải pháp về thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến vào hệ thống vận hành để tinh lọc không khí, xử lý bụi, xử lý nấm mốc, tiết kiệm năng lượng… nhằm góp phần nâng cao chất lượng không khí.

Như một cơ thể sống, công trình không chỉ cần “khung xương” chắc chắn mà còn cần một “hệ hô hấp” tốt. Việc triển khai hiệu quả những giải pháp “bên trong” chính là yếu tố hàng đầu đáp ứng yêu cầu đó. Yếu tố này đã trở thành xu hướng của kiến đại. Các KTS ngày càng chú trọng đến việc tối ưu không gian sinh sống, làm việc, hướng đến việc tạo ra một cuộc sống ngày càng an toàn hơn (safe life) cho mọi người.